Nấm linh chi có rất nhiều công dụng tuyệt vời lại khó tìm trong tự nhiên. Vì vậy, con người đã nghiên cứu phương pháp ươm trồng nấm linh chi giúp chúng ta có thể sử dụng nấm linh chi mà không cần phải tốn công sức và tiền bạc nhiều như trước nữa. Cùng tìm hiểu cách trồng nấm linh chi như thế nào nhé
Tìm hiểu về nấm linh chi
Nấm linh chi thuộc họ nấm lim, còn có tên khác như Tiên thảo, Nấm trường thọ, Vạn niên nhung. Trong “Thần nông bản thảo” xếp Linh chi vào loại siêu thượng phẩm hơn cả nhân sâm và trong “Bản thảo cương mục” coi Linh chi là loại thuốc quý. Trong y học hiện đại, các nhà khoa học vẫn đang tìm hiểu thêm nhiều công dụng của loại nấm này.
Nấm linh chi hiện nay có 6 loại được nghiên cứu nhiều nhất:
+ Linh chi xanh (còn gọi là Thanh chi hay Long chi)
+ Linh chi đỏ (còn gọi là Xích chi, Hồng chi hay Đơn chi)
+ Linh chi vàng (còn gọi là Hoàng chi, Kim chi)
+ Linh chi trắng (còn gọi là Bạch chi hay Ngọc chi)
+ Linh chi đen (còn gọi là Hắc chi hay Huyền chi)
+ Linh chi tím (còn gọi là Tử chi hay Mộc chi)
Trong đó Linh chi đỏ là loại nấm có dược tính mạnh nhất, được sử dụng phổ biến nhất.
Tác dụng của nấm linh chi
+ Đối với hệ miễn dịch: Tăng cường sức đề kháng, giúp bảo vệ cơ thể khỏi các loại virus gây bệnh.
+ Đối với hệ tiêu hóa: kích thích ăn uống, thúc đẩy quá trình tiêu hóa và chống táo bón.
+ Đối với hệ thần kinh: Làm giảm mệt mỏi, căng thẳng, giúp an thần, hỗ trợ trị chứng đau đầu, mất ngủ, thần kinh suy nhược.
+ Đối với hệ tuần hoàn: Ổn định huyết áp, tăng cường tuần hoàn
+ Đối với hệ bài tiết: giải độc gan, bảo vệ gan.
+ Ngoài ra, gần đây các nhà khoa học Trung Quốc và Nhật phát hiện thêm nấm linh chi còn có tác dụng phòng và chống ung thư, chống lão hóa làm tăng tuổi thọ.
Nấm linh chi trong môi trường tự nhiên
Môi trường sống của nấm linh chi thường ở rừng kín xanh ẩm, độ cao từ vài chục mét đến 1500m, sống hoại sinh trên các thân cây gỗ mục.
Nhưng không phải cây nào chết nấm linh chi cũng đều mọc lên. Mà cây ấy phải ở vị trí thuận lợi, hội đủ điều kiện kết hợp giữa nóng, lạnh, hơi nước và ánh sáng. Và khi nấm linh chi chỉ mọc ở mỗi cây 1 lần duy nhất.
Phương pháp trồng nấm linh chi
So sánh với các chủng giống nấm linh chi đỏ giống Nhật, nấm linh chi đỏ giống Hàn Quốc trồng tại Việt Nam thì chủng nấm linh chi đỏ Đà Lạt (nấm Hồng chi) được thử nghiệm và chứng minh là loại nấm linh chi đỏ có chứa hàm lượng dược tính mạnh nhất trong các chủng nấm linh chi đỏ nuôi trồng tại Việt Nam hiện nay. Chính vì vậy, bài biết này sẽ hướng dẫn về phương pháp trồng nấm linh chi đỏ.
Kỹ thuật trồng nấm linh chi
1. Thời vụ nuôi trồng:
Thời vụ thuận lợi để trồng nấm linh chi là từ tháng 1 đến tháng 10. Bởi vì ngoài thời gian này thì sẽ xuất hiện mưa nhiều, độ ẩm cao dẫn đến việc nấm dễ nhiễm bệnh từ môi trường bên ngoài.
Có thể trồng nấm linh chi từ 3 đến 4 vụ trong 1 năm tùy theo từng chủng loại giống.
2. Nguyên liệu:
Nguyên liệu chủ yếu mà người dân dùng đề trồng nấm linh chi đỏ là mùn cưa, bã của các loại gỗ mềm (không có chứa tinh dầu độc hại). Mùn cưa và bã mía phải được sàng trước khi xử lý nguyên liệu.
Ngoài ra bổ sung thêm nhiều phụ gia, phối trộn thêm nhiều chất dinh dưỡng, vi khoáng chất tự nhiên như: bột cám, bột ngô, MgSO4, vôi, CaCO3,… đặc biệt sử dụng nguồn nước phải sạch.
3. Xử lí nguyên liệu:
Trộn nguyên liệu theo tỉ lệ nhất định để tiến hành khâu ủ mạt cưa. Khâu này nhằm mục đích lên men tỏa nhiệt làm phân giải chất xơ và bay hơi các tinh dầu có trong mạt cưa giúp nguyên liệu có điều kiện thấm nước, các vi khuẩn phân hủy làm diệt bớt mầm bệnh gây nhiễm bệnh có trong nguyên liệu.
Đầu tiên tạo ẩm mùn cưa bằng nước sạch và hòa vôi theo tỉ lệ 1%, ủ ở đống rồi đậy đống ủ đó bằng bạt nilon cho mùn cưa ngấm đủ nước và trương nở các tế bào.
Sau khoảng 2-3 ngày bạn kiểm tra độ ẩm của đống ủ phải đạt 65%( kiểm tra bằng phương pháp cảm quan và đảo đống ủ đó lại 2-3 ngày).
Cách ủ các nguyên liệu để nuôi trồng nấm linh chi được thực hiện như sau:
+ Với cách ủ ngắn ngày: với các nguyên liệu như mùn cưa cao su, bồ đề, mít: Tạo ẩm nguyên liệu bằng nước vôi có độ PH 12-13 hoặc bằng nước sạch có trộn thêm vôi bột, sau đó đem ủ lại, cứ 3 ngày kiểm tra và đảo đống ủ 1 lần, thời gian ủ này trong 6 ngày.
+ Với cách ủ dài ngày: thích hợp với các loại gỗ tạp mềm như keo, mùn cưa tạp,...:Tạo ẩm bằng nước vôi hoặc nước sạch trộn bột vôi như trên, và bổ sung thêm hóa chất với tỷ lệ: 1 tấn mùn cưa trộn thêm 3 kg bột nhẹ CaCO3, 5-10 kg lân và 10-15kg ure.
4. Đóng bịch:
- Yêu cầu đóng bịch phải thật chặt tay, không để lỏng sao cho khối lượng túi từ 1,2kg đến 1,5 kg, trọng lượng phôi nấm phải đủ không nên quá dư hoặc quá thiếu.
Mục đích: Giúp tơ không bị đứt, bảo vệ tơ không bị nhiễm bệnh do vi khuẩn từ môi trường xâm nhập và gây nên.
-Dùng que soi nấm để tiện khi cấy giống
Mục đích: Bảo vệ nấm, giúp nấm tránh bị va chạm.
- Sử dụng túi nilong có kích cỡ 19 đến 20 đóng mạt cưa xong tiến hành làm cổ, dùng nắp chai nhựa có kích cỡ vừa phải để làm cổ, nhét bông gòn để chống thấm khi đem đi hấp thanh trùng.
nam-linh-chi5
5. Phương Pháp Thanh Trùng:
Kĩ thuật hấp thanh trùng rất quan trọng tiêu diệt toàn bộ các vi sinh vật có trong nguyên liệu
Phương pháp 1: Hấp cách thủy nhiệt độ 100 độ C thời gian hấp thanh trùng trong vòng 12 tiếng. Yêu cầu: nồi hấp phải đạt được nhiệt độ cần thiết và đủ hơi nước.
Phương pháp 2: Thanh trùng nhanh 90 phút đến 120 phút bằng nồi áp suất Autoclave, hấp ở nhiệt độ 119-126 độ C (áp suất đạt 1,2 đến 1,5 at).
6. Cấy Giống:
Yêu cầu:
- Khử trùng phòng cấy giống và tất cả các dụng cụ dùng trong quá trình cấy giống.
- Phòng cấy giống không quá kín nhưng phải chắn gió.
Dụng cụ cấy giống: gồm có chai giống, que kẹp, đèn cồn, cồn sát trùng. Và tất cả các dụng cụ trên đều đã được thanh trùng để nguội.
Cấy giống có thể thực hiện theo 2 phương pháp sau đây :
- Phương pháp 1: cấy giống nấm linh chi lên que gỗ, cần tạo lỗ bịch phôi giống sao cho lỗ này có đường kính từ 1,8cm đến 2cm và đạt độ sâu từ 15cm đến 17cm, trong quá trình cấy cần đặt bịch nhuyên liệu gần đèn cồn. Gắp từng que ở túi giống cấy vào túi nguyên liệu.
-Phương pháp 2: cấy giống nấm linh chi lên hạt, dùng que cấy gạt nhẹ giống cho đều trên bề mặt bịch nguyên liệu, tránh làm hư hỏng, xước giống, ước lượng và cho khoảng 10gam đến 15 gam giống vào túi nguyên liệu.
Sau khi cấy xong, đậy nút bông lại và vận chuyển đến nơi ủ nấm, lưu ý là nơi ủ nấm luôn phải được vệ sinh sạch sẽ trước khi đưa giống vào.
7. Giai đoạn nuôi ủ tơ:
Yêu cầu: nhà ủ tơ phải sạch sẽ, thông thoáng để cung cấp môi trường tốt nhất cho giống, tránh nấm bị ẩm mốc do nhiệt độ cao.
Độ ẩm nhà ủ phôi giống khoảng 75% - 85% nhiệt độ từ 20 độ C đến 30 độ C. Tránh ánh nắng trực tiếp chiếu vào, nhưng không để phòng ủ phôi giống quá tối khiến phôi giống thừa độ ẩm và hư, hỏng. Nhà ủ tơ phải vệ sinh xịt thuốc diệt côn trùng và rắc vôi.
Đặt phôi nấm lên trên kệ, trong thời gian ủ phôi nấm tuyệt đối không tưới nước, hạn chế di chuyển để tránh làm hư hại phôi giống, Thường xuyên kiểm tra tốc độ tăng trưởng, nếu có nấm nào bị mốc thì loại bỏ ngay tránh vi khuẩn lâu lan sang các nấm khác.
Theo dõi quá trình lan tơ nấm đến sợi nấm 1/2 đến 1/3 là tơ nấm bắt đầu hình thành quả thể, tháo bớt một ít lớp bông ở cổ túi phôi giống để nấm phát triển bình thường. Ủ phôi giống đến khi quan sát thấy tơ nấm phủ đều túi thfi mới cung cấp nước cho túi phôi giống.
8. Giai đoạn chăm sóc, thu hoạch:
Phòng trồng nấm phải đạt những điều kiện sau:
- Phòng trồng nấm phải sạch sẽ, thông thoáng, điều kiện về ánh sáng được đảm bảo không quá gắt, bọc lưới tránh nắng.
-Phòng trồng nấm phải kín gió, sạch sẽ, thông thoáng.
- Luôn đảm bảo nhiệt độ cho nấm phát triển tốt từ 22 độ C đến 28 độ C, độ ẩm không khí .
- Sử dụng nguồn nước sạch, vệ sinh quanh khu vực trồng nấm sạch sẽ làm cho nấm tránh bị nhiễm bệnh.
Quá trình chăm sóc và thu hái thường áp dụng theo 2 phương pháp sau:
Phương pháp phủ đất: Phương pháp phủ đất giúp nấm phát triển rất tốt tuy nhiên rất chiếm diện tích và dễ gây nhiễm bệnh hơn nhiều.
Phương pháp không ủ đất: Đa số các trang trại nấm linh chi đỏ tại Việt Nam thường áp dụng nuôi trồng theo phương pháp này, bởi vì phương pháp này giúp tiết kiệm diện tích trồng nấm linh chi, có thể đặt phôi nấm trên sàn nhà, các kệ treo, giá treo.
Lưu ý: Sau khi kết thúc quá trình nuôi trồng nấm linh chi cần phải tiến hành thanh trùng nhà, phòng, trại bằng fooc môn nồng độ 1%.
Sau khi thu hoạch nấm thì nấm sẽ được đem đi sấy khô hoặc phơi khô trực tiếp bằng ánh nắng. Tuy nhiên, cần phơi khô nấm linh chi bằng ánh nắng tự nhiên khoảng 3, 4 ngày nắng, chú ý cần phơi thật khô để khi bảo quản tránh bị ẩm mốc, thời gian bảo quản lâu hơn.
9. Đóng gói sản phẩm:
Sau khi đóng gói thành phẩm thì sản phẩm có thể bảo quản từ 1 đến 2 năm khi sử dụng phương pháp hút chân không. Trong quá trình sử dụng cũng nhớ bảo quản nơi khô ráo, tránh ẩm mốc thì sản phẩm sử dụng có thể được lâu và đảm bảo chất lượng hơn.
Hiện nay, có rất nhiều người đổ xổ đi trồng nấm linh chi vì thấy lợi nhuận khổng lồ nhưng cũng có nhiều trường hợp thua lỗ vì trồng nấm thất bại hoặc không có đầu ra. Mong rằng, mọi người sẽ tìm hiểu kĩ mô hình, kỹ thuật nuôi trồng nấm và cũng như không quên các lưu ý quan trọng để trồng nấm linh chi mang lại hiệu quả, năng suất cao.
TuThuoc24h.net